Khai mạc triển lãm: 12.2015
Triển lãm mở tới 12.07.2016
Địa điểm: Sàn Art
48/7 Mê Linh, phường 19, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

 

Non-finito

Một tác phẩm không bao giờ là hoàn thiện trừ phi có một biến cố xảy ra như cảm giác mệt mỏi, sự hài lòng, sự thôi thúc phải hoàn thành, hoặc cái chết: vì, đối với người nghệ sĩ đang sáng tác thì tác phẩm đó chỉ là một giai đoạn trong một chuỗi những biến đổi luôn tiếp diễn bên trong.”

-Paul Valéry, nhà thơ biểu tượng người Pháp-

Khi nào thì một tác phẩm ‘hoàn thiện’?

Từ thời Phục hưng trung cổ, các họa sĩ đã phải đấu tranh tư tưởng giữa mong muốn tiếp tục xem xét và nhập tâm vào những ý tưởng tạo nên tác phẩm và sức ép của việc phải hoàn thành tác phẩm, để đưa nó từ trong tiềm thức vào thế giới hữu hình. Michelangelo đã để lại vô vàn những tác phẩm dang dở hay những bức phác họa chưa bao giờ được thực hiện. Ông cũng nổi tiếng trong việc ứng dụng kỹ thuật non-finito (‘chưa hoàn thiện’ trong tiếng Ý) trong điêu khắc: những dáng người gắn liền với những khối đá, chưa hoàn toàn thoát khỏi sự trói buộc của chất liệu. Chúng phô bày cho thế giới sự dày vò của nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo, và ham muốn vượt qua những rào cản của nguyên liệu vật lý để mang các tác phẩm vào đời thực.

Một vài trường phái hội họa như trường phái Ấn tượng vào thế kỷ 20, cùng những họa sĩ như Paul Cézanne, phản hồi sự dày vò nội tâm này bằng cách tập trung vào sự phát triển nghệ thuật của bản thân thay vì việc phải hoàn thành tác phẩm. Cézanne thể hiện niềm tin này một cách không do dự trong một bức thư gửi cho mẹ ông:” Con phải làm việc liên tục, (nhưng) không phải để hoàn thành tác phẩm, […] Con phải cố gắng hoàn thiện chỉ để trở nên trung thực hơn và uyên bác hơn.”[1]  Vậy nên, Cézanne quyết định để rất nhiều các bức vẽ của mình với những mảng chưa hoàn thiện, với niềm tin rằng chúng là cách tốt hơn để ông thể hiện những ý tưởng nghệ thuật và ‘cơn bão nội tâm’ của mình.

Cũng như vậy, các nghệ sĩ trong phiên 8 của Sàn Art Laboratory thách thức ‘sự hoàn thiện’ trong nghệ thuật đương đại. Với họ, quá trình sáng tạo nghệ thuật mới chính là tâm điểm trong thực hành của mình chứ không phải tác phẩm. Khái niệm ‘Chưa hoàn thiện’ thể hiện qua quá trình chọn lựa chất liệu, chủ đề, và kỹ năng cho tác phẩm “thí nghiệm” của họ đã không còn là ‘quá trình’ mà đã trở thành ‘tác phẩm’ nghệ thuật: sự tiếp diễn xoay vòng của việc đúc khuôn và tái đúc khuôn, việc lắp ráp và tháo rời, quay lại và tiếp tục.

Với Questal Tay, những chất liệu của cô, chỉ và vải tạo nên khái niệm ‘chưa hoàn thiện’.  Những tấm vải màu trung tính được treo trên tường và lơ lửng trong không gian như những làn sương ban mai mờ ảo. Thật khó có thể xác định được tấm vải tồn tại trong hình dạng hoàn thiện hay vẫn đang trong quá trình chuyển giao, chờ đợi một sự biến đổi nào đó, giống như quan niệm nghệ thuật của Questal. Dấu hiệu để nhận biết sự tồn tại của chúng là những lỗ hổng đã được nghệ sĩ chủ ý cắt vào tấm vải. Bằng cách phá vỡ sự liền mạch của tấm vải, Questal xem xét lại những đấu tranh nội tâm với những suy nghĩ dở dang, những cuộc đối thoại bỏ lửng, và những định kiến bị lờ đi trong những mối quan hệ của cô. Những khoảng trống được khâu mép và vá lại một cách lỏng lẻo bằng chỉ là những nỗ lực của cô nhằm tìm lời giải cho những chuỗi hội thoại không hồi kết. Nhưng không một lỗ hổng nào được che lại hoàn toàn: giống như quá trình hàn gắn một mối quan hệ kéo dài bất tận, những tấm vải của Questal tồn tại trong trạng thái chuyển giao, tự dệt chính mình và khép những lỗ hổng của mình trong một cuộc vật lộn không hồi kết.

Nguyễn Quốc Dũng biến tranh sơn dầu thành tấm gương phản chiếu chân dung của những cồng đồng bị gạt sang lề của xã hội Việt Nam. Trong quá trình lưu trú, Dũng hướng năng lượng sáng tạo của mình vào cộng đồng chuyển giới, những người đang đấu tranh với sự thay đổi cơ thể và sự chuyển tiếp giới tính. Một trong số những tác phẩm của anh vẽ một người phụ nữ chuyển giới. Đứng trần trụi giữa bức tranh với đôi mắt nhìn thẳng, cô phơi bày cơ thể đang trong quá trình chuyển giao và thách thức ánh nhìn của khán giả. Phòng của cô, nơi Dũng đã chọn để vẽ cô, trở thành phông nền mang nhiều vật kỷ niệm từ những mối quan hệ đã qua. Vậy, chủ thể nghệ thuật của Dũng mang trong mình khái niệm ‘chưa hoàn thiện’ thông qua sự khát khao được “hoàn thiện” thể xác và được bình an trong tâm hồn. Khi Dũng tiếp tục thêm những chi tiết nhỏ vào trong bức chân dung để tìm cách phác họa chân thật nhất câu chuyện tìm về giới thật sự của cô, thì hành trình tìm lại bản ngã của cô cũng tiếp tục mở rộng. Người họa sĩ và chủ thể cùng phát triển trên hành trình của mỗi người.

Sự đấu tranh nội tâm của Dara Kong với khái niệm ‘chưa hoàn thiện’ được thể hiện qua kỹ thuật vẽ lại bản đồ các vùng. Hành trình của anh là cách chất vấn khái niệm ‘thuộc về’ của một người khi bị tác động và bị chối bỏ trong quá trình hòa nhập và rời khỏi những cộng đồng khác nhau. Nghệ sĩ người Campuchia tạo nên những bản đồ ghi dấu sự di chuyển của nhiều người, trong đó có anh, ở nhiều khu vực khác nhau bằng cách biến những hành trình này thành những dây leo uốn lượn đan vào nhau và trải dài bất tận: nơi bắt đầu và kết thúc của tấm bản đồ không thể xác định. Dara tạo ra sê-ri của những mê cung thành thị, nơi mà những con người trong hình dáng trái cây gặp gỡ và chia tay, đánh dấu nỗ lực của Dara trong việc tìm hiểu những luồng chuyển động của một nền văn hóa xa lạ cũng như nỗ lực tìm một chốn neo đậu ở ‘tổ ấm’ mới. Khi Dara đến với những vùng đất mới, sự khám phá không ngừng nghỉ và những mối quan hệ mới tiếp tục nhen nhóm giúp cho những tấm bản đồ phát triển, có thể đây là những điểm sáng trong hành trình đi tìm sự chấp nhận và niềm thân ái của anh. Tìm một ‘tổ ấm’ ở một vùng đất xa lạ, chẳng phải bản thân nó đã là một hành trình dường như không bao giờ kết thúc?

Như những nghệ sĩ đi trước, các nghệ sĩ của Lab phiên 8 thách thức khái niệm ‘hoàn thiện’ trong nghệ thuật, tập trung vào quá trình thử nghiệm nghệ thuật thông qua sự lựa chọn chất liệu, chủ đề, và kỹ thuật. Phơi bày nỗ lực nội tâm của nghệ sĩ đối diện với kỳ vọng văn hóa và xã hội, ba nghệ sĩ mời người xem nhìn qua những vết thương của một tấm vải; nhìn thẳng vào mắt của một chủ thể bị phân biệt đối xử; hoặc lần theo những tấm bản đồ của một người xa lạ cô đơn.

***

[1] Paul Cézanne, Letters, edited by John Rewald, 1984.

Các tác phẩm đang được bán tại Sàn Art. Vui lòng liên hệ nhân viên để biết thêm chi tiết.