Khai mạc triển lãm: 07.11.2013 @6:30pm
Triển lãm mở tới 24.01.2014
Địa điểm: Sàn Art
3 Mê Linh, P19, Q Bình Thạnh
Tp Hồ Chí Minh

 

Sàn Art hân hạnh giới thiệu ‘Hư cấu Đúng’ – một triển lãm nhóm bao gồm các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh, sắp đặt và video đánh dấu kết thúc cho kỳ lưu trú tại ‘Xưởng thí nghiệm Sàn Art: Phiên 3’ của hai nghệ sĩ Nguyễn Hồng Ngọc và Phan Thảo Nguyên.

‘Xưởng thí nghiệm Sàn Art’ là một chương trình lưu trú nghệ thuật được tổ chức thành các phiên dài 6 tháng. Nghệ sĩ trẻ Việt Nam nộp đơn tham gia thông qua các kỳ đăng ký mở rộng và được lựa chọn bởi một hội đồng cố vấn liên ngành và đa quốc tịch. Các nghệ sĩ tham gia Xưởng sẽ sinh sống và sáng tác nghệ thuật toàn thời gian trong chỗ ở và phòng studio đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh của chương trình. Họ cũng có dịp được mời những nhà tri thức sáng tạo có tên tuổi (nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà văn, v.v…) tham gia làm ‘người cộng tác trao đổi’ để phản biện và dẫn dắt họ xuyên suốt thời gian lưu trú. ‘Xưởng thí nghiệm Sàn Art’ mong muốn có thể tạo điều kiện cho nghệ sĩ được khám phá và thực hành nghệ thuật mà không phải chịu những áp lực thương mại và hạn chế về tài nguyên thường gặp.

 ‘Phiên 3’ đem đến cho Hồng Ngọc và Thảo Nguyên một không gian thể nghiệm sinh động từ hồi tháng 6 năm nay. Những nghiên cứu khoa học và văn hóa mà họ thực hiện tại đây đã có tác động sâu sắc và thú vị đến quá trình sáng tác nghệ thuật cá nhân của từng người.

Hồng Ngọc tốt nghiệp chuyên ngành Phê bình Nghệ thuật tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Hồng Ngọc tiếp cận với nghệ thuật bằng đam mê và bản năng. Với mối quan tâm sâu rộng về những khái niệm ánh sáng đa dạng, cô tham gia Xưởng để thiết lập một phương pháp sáng tạo có hệ thống hơn. Quan trọng hơn cả, đây là những bước đầu tiên trong quá trình tìm kiếm và khẳng định vị thế của cô trong thế giới nghệ thuật quốc tế. Việc nghiên cứu có cấu trúc vẫn còn là một phương pháp mới lạ đối với Hồng Ngọc, nhưng cô vẫn dấn mình vào tìm tòi về lý thuyết nguyên tử trong lĩnh vực vật lý và cảm thấy bị lôi cuốn mạnh mẽ bởi những phần tử tí hon nhất trong nền tảng vật chất của ánh sáng. Bên cạnh đó, biểu tượng ánh sáng cũng nhắc nhở cô rằng những trải nghiệm sâu kín nhất mới là yếu tố định hình nên cách mà một người cảm nhận thế giới xung quanh, và đó chính là sự thực trong tâm linh mà con người ta vẫn hay đi tìm kiếm. Những tác phẩm được Hồng Ngọc chọn trưng bày lần này được tạo nên từ những chi tiết tinh xảo và những chất liệu đầy bất ngờ. Chúng đưa người xem chìm đắm vào những trải nghiệm tâm trí và cơ thể vừa say mê lại vừa gợi mở, và khơi lại những câu hỏi căn bản của con người về thị giác và tầm nhìn, kiến thức và đức tin, biết và không biết.

Thảo Nguyên quay về Việt Nam sau khi hoàn thành bằng Thạc sỹ Nghệ thuật chuyên ngành Hội họa tại Học viện Nghệ thuật Chicago, Thảo Nguyên vẫn luôn quan tâm đến mối tương quan và khả năng kể chuyện của vật thể và chất liệu trong sáng tác nghệ thuật. Trong thời gian tại Xưởng, cô tiếp tục nghiên cứu ý tưởng ‘mọi nhận thức cá nhân đều là hư cấu’, một quan điểm sinh ra từ trải nghiệm trước đây của cô khi những tác phẩm cô làm ra không thể kể lại đầy đủ câu chuyện của người khác. Người ngoài cuộc – khi không trực tiếp liên quan đến một sự kiện nào đó – thì chỉ nắm trong tay những mảnh vỡ khái niệm và cảm xúc mà thôi. Một khi nhận thức này trở nên rõ ràng và sâu sắc trong tâm trí của Thảo Nguyên, cô chuyển sang tập trung vào mối tương quan rộng lớn hơn giữa vật thể, sự kiện, thói quen cư xử và bối cảnh của chúng. Thông qua những nghiên cứu đa dạng như là nhìn lại lịch sử của chất liệu đay, quan sát thói quen bày tỏ sự kính trọng thông qua việc cúi chào và thay đổi môi trường thông thường của một loài cây khi cây đay được trồng trong một không gian triển lãm thay vì trên đất ruộng, cô dựng nên những hiện thực và những thể nghiệm văn hóa mới. Người xem vì thế phải nhìn nhận lại ý nghĩa và bản chất của những hiện tượng xã hội và tâm lý đã lâu bị lãng quên.