Hồi Sóng

Ngày 7 Tháng 12 – Ngày 18 Tháng 12 năm 2021
Sàn Art

  • Ngày diễn ra: Ngày 7 Tháng 12 – Ngày 18 Tháng 12 năm 2021
  • Giờ mở cửa: Thứ 3 – Thứ 7, 11g00 – 18g00
  • Địa chỉ: Sàn Art, B6.16 – B6.17, Tháp B văn phòng, Millennium Masteri, 132 Bến Vân Đồn (vào ở cổng Nguyễn Hữu Hào), P6, Q4

“Khai triển một kho lưu trữ giống như một cuộc đánh cược niềm tin, phần vì người ta chưa thấy rõ tính hữu ích hoặc mục đích của nó trong tương lai. Những gì được khởi đầu vào năm 1909 như một cuộc khảo sát bách khoa về ngôn ngữ và âm nhạc học đã trở thành một trong những nguồn cụ thể biện hộ cho sự hiện diện của lính tòng quân thuộc địa, hay cách gọi “lính tập” trong nghiên cứu, chỉ những người bị quân đội Pháp cưỡng chế hoặc gạt rời khỏi gia đình, để tham gia vào một cuộc chiến tranh không liên quan đến họ. Trong khi sự hiện diện quan trọng của họ – vốn đã bị lãng quên từ lâu – đang dần được các nước phương Tây xem xét lại như một phần của lịch sử tập thể, còn nhiều lỗ hổng trong hổ lốn chiến tranh vẫn chưa được lấp đầy. Một loạt các từ ngữ, con số, lời cầu nguyện, nhạc tụng, ưu tư về quê hương, hay kinh nghiệm từ mặt trận được ghi chép lại từ các công nhân nhà máy hoặc lính bộ binh đến từ Việt Nam, Campuchia, Mali, Algeria, Tunisia, Morocco, Guadeloupe, Martinique, v..v.. Hiện vẫn thuộc Kho lưu trữ âm thanh Đại học Humboldt, Berlin, các bản ghi âm nói trên đã trải qua một quá trình số hóa vào giữa thập niên 90, giúp mở ra một kho tàng lịch sử bị xóa bỏ để công chúng được tiếp cận. Đây là khởi nguồn giúp dự án Hồi Sóng xuất hiện, là xuất điểm xuất phát, từ đó mở rộng ra các thành phần lưu trữ khác, tất cả đều được hai nhà soạn nhạc và nghệ sĩ âm thanh thử nghiệm Nguyễn Nhung và Zach Schreirer lựa chọn và biên tập một cách thấu đáo.

Được hiểu tạm là “sự trở về” và “điều chỉnh” sóng âm, Hồi Sóng nhằm mục đích hồi sinh và kích hoạt lại bộ sưu tập các bản ghi âm này thông qua một sắp đặt âm thanh mà khán giả có thể tương tác. Nhìn chung, dự án sở hữu ba thành tố ý niệm – trải nghiệm thính giác, sự tái hình dung từ kho lưu trữ và sự tham gia của khán giả – và ba yếu tố cụ thể – một sắp đặt dựa trên radio cổ điển, các sáng tác thử nghiệm và sách tư liệu cạnh bên. Mở ra cho công chúng tương tác, tác phẩm này vừa kích hoạt những câu chuyện đồng thời kết nối mọi người với một phần lịch sử và di sản bị lãng quên. Các kênh radio, được tạo ra dưới dạng một collage âm thanh, kết hợp các bản ghi âm gốc của những người lính bị bắt và lời hồi tưởng của các lính thợ Đông Dương từ Thế chiến I và II, được hai nghệ sĩ tường thuật và soạn nhạc theo kịch bản. Mặc dù ban đầu chúng chỉ là các công cụ để khuyến khích tham gia hay đóng vai trò một kênh để lưu chuyển các tự sự âm thanh, radio ở đây được sử dụng như một phương pháp. Mỗi kênh có nhiệm vụ bắt chước và mã hoá trải nghiệm điều chỉnh các đường truyền radio trong và ngoài. Chúng có thể gây cảm giác thôi miên, êm dịu, nhàm chán, gây rối – người nghe có thể quyết định ở lại và trôi giạt đi, biến đổi rồi quay trở lại, hoặc hai máy có thể được sử dụng cùng một lúc và tương tác với nhau theo vô số khả năng.

Sàn Art hân hoan mở cửa trở lại và nhường chỗ cho nghệ sĩ Nguyễn Nhung và Zach Sch giới thiệu dự án Hồi Sóng, tác phẩm sắp đặt âm thanh thử nghiệm được đúc kết sau nhiều tháng nghiên cứu và làm việc. Xuất hiện như một bản vật lý của nền tảng trực tuyến hoisong.art , trưng bày của chúng tôi mời khán giả đến với không gian và tương tác với tác phẩm.

Xin xem các tư liệu, văn bản tham khảo, và văn bản gốc tại đây.


“𝐇ồ𝐢 𝐒ó𝐧𝐠” – 𝐆𝐢ớ𝐢 𝐭𝐡𝐢ệ𝐮 𝐝ự á𝐧:
hoisong.art 

“Hồi Sóng” là dự án nghiên cứu và sáng tạo của hai nghệ sĩ đang sinh sống tại Việt Nam, Nguyễn Nhung và Zach Sch. Được tạo thành bởi các tài liệu lưu trữ – những âm thanh lâu đời và bản ghi âm đa miền từ Kho lưu trữ Âm thanh trường Đại học Humboldt – và các sáng tác được biên soạn bởi hai nghệ sĩ, dự án hiện diện duới bản trực tuyến trên website và một sắp đặt âm thanh tại không gian của Sàn Art.

Dự án này nhằm mục đích trưng bày những lịch sử trước đây không thể tiếp cận được của các dân tộc – cụ thể là những người lính thuộc địa và công nhân từ Algeria, Ai Cập, Mali, Martinique và Việt Nam được đưa đến châu Âu trong Thế chiến Thứ nhất & Nhì – thông qua những câu chuyện truyền miệng (câu chuyện, bài hát, phỏng vấn, ghi âm tại chỗ) đan xen với các kênh radio và ngôn ngữ mang đầy tính nhạc của hai nghệ sĩ. Trong khi hoisong.art sẽ tiếp tục lưu trữ và trình bày quá trình nghiên cứu, bản chép và các tài liệu của dự án này, trưng bày vật lý của dự cũng sẽ bao gồm các yếu tố tương tác, khuyến khích công chúng dò sóng trong sắp đặt âm thanh và tương tác với các hiện vật thuộc về quá khứ xa xôi.

———

𝐃ự á𝐧 𝐧à𝐲 đượ𝐜 𝐡ỗ 𝐭𝐫ợ 𝐛ở𝐢

Sàn Art

Đại học Humboldt Berlin

Viện Goethe TPHCM

Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam

Quỹ Nguyễn Thiện Đạo