Đến tận cùng [nào]?

Các tác phẩm sắp đặt, điêu khắc, video và nghệ thuật cắt giấy của Nguyễn Trần Nam, Phạm Đình Tiến và Rudy ‘Atjeh’ D 

Khai mạc triển lãm: 06.11.2014 @6:30pm
Triển lãm mở tới 30.01.2015
Địa điểm: Sàn Art
3 Me Linh
Quận Bình Thạnh
Thành Phố Hồ Chí Minh

 

Sàn Art trân trọng giới thiệu ‘Đến tận cùng [nào]?’ – một triển lãm nhóm bao gồm các tác phẩm sắp đặt, điêu khắc, video và nghệ thuật cắt giấy của ba nghệ sĩ Nguyễn Trần Nam, Phạm Đình Tiến và Rudy ‘Atjeh’ D trong kỳ lưu trú tại ‘Xưởng thí nghiệm Sàn Art: Phiên 5’

Sự tò mò là một phần bản năng của con người. Những đứa trẻ nhỏ thường háo hức đặt câu hỏi về thế giới quanh mình. Các nhà khoa học và triết gia luôn bận rộn tìm kiếm chân lý ẩn sau sự tồn tại của loài người. Đôi khi câu trả lời sáng tỏ như ban ngày trước mắt ta, nhưng vẫn còn đó những câu hỏi chưa thể có câu trả lời, hoặc mất cả đời người để khám phá ra ý nghĩa hoặc mục đích của cuộc sống.

Phạm Đình Tiến lấy cảm hứng từ vụ mất tích của chuyến bay 370 của Hãng hàng không Malaysia, trong đó một nhóm người bắt đầu cuộc hành trình bị tan biến trong không trung. Nhiều tháng điều tra quyết liệt đã đem đến kết luận rằng chuyến bay 370 kết thúc hành trình tại khu vực phía nam Ấn Độ Dương, cùng với đó là cái chết của 239 nạn nhân. Chẳng phải cái chết là định mệnh cuối cùng của chúng ta sao? Định mệnh của một đời người đáng buồn thay có thể bao gồm những sự kiện bi thảm như trên thuộc ngoài tầm kiểm soát của chính họ. Đã bao lần ta ngồi trên máy bay mường tượng và lo sợ về khả năng nó rơi? Làm sao ta biết được liệu chuyến bay hôm nay sẽ kết thúc trong hỗn mang? Qua việc trưng bày một loạt những tấm gương dưới dạng máy bay trong tác phẩm ‘Một chuyến đi’, Tiến buộc ta nhìn chính bản thân mình như những hành khách trong chuyến bay có thể đi trái mong đợi, từ đó chất vấn lòng tin vào khả năng kiểm soát hiện thực khi đó có thể chỉ là ảo tưởng. Xét cho cùng, chẳng phải ta phó thác mạng sống của mình vào đôi tay của cơ trưởng và tiếp viên đoàn khi bước chân lên máy bay sao?

6 tháng sinh sống tại TP.HCM tạo điều kiện cho Rudy ‘Atjeh’ D suy ngẫm về lịch sử của Aceh, quê nhà của anh tại Indonesia. Khi anh ghé thăm một ngôi đền Chăm tại thành phố, Rudy vô cùng phấn khích với những gì anh tìm được – sự tương đồng thị giác giữa văn tự và cách phát âm của tên vương quốc Chăm-pa[1] tại Việt Nam và vương quốc Jeumpa[2] tại Aceh. Điều này khiến Rudy tự hỏi, liệu có sự liên kết giữa hai vương quốc và làm thế nào mối liên kết đó được thiết lập trong quá khứ? Trong tác phẩm cắt giấy tỉ mẩn và thanh nhã, ‘Jeumpa’, của anh, ta có thể nhìn ra hình ảnh một chiếc thuyền buôn, còn trên sàn nhà một dải đường rải từ gạo tượng trưng cho Con đường Tơ lụa[3]. Chính những tuyến đường buôn này là một trong những nhân tố chính dẫn đến sự gặp gỡ, tương tác, trao đổi, và từ đó biến đổi của các nền văn hoá và ngôn ngữ khác nhau. Nhằm gợi nhắc đến tính luôn vận động và hình ảnh sống động của giao thương, Rudy bao bọc ta trong âm thanh thu được từ những khu chợ địa phương tại TP.HCM và Aceh.

Nghệ sĩ Hà Nội Nguyễn Trần Nam cũng lần về lịch sử khi cư trú tại TP.HCM. Chuyến thăm đến Dinh Độc Lập[4] đã để lại dấu ấn sâu đậm cho Nam qua hình ảnh những cái sọ động vật trên tường phòng Tổng thống. Theo cái nhìn của Nam, cái chết của những con vật này, và những gì còn sót lại từ chúng, hàm chứa ý niệm về vật chiến tích – một phần thưởng cho kẻ thắng cuộc trong một chuyến đi săn, một trận chiến, hay một cuộc thi – chúng là vật phẩm dâng nộp cho Tổng thống như hành động biệu lộ sự thành kính. Tác phẩm điêu khắc của Nam, ‘Một phần của cấu trúc’, đem một chiếc huân chương làm từ kim loại đặt trong một chiếc hộp, chiếc huân chương mang hình dáng đơn giản hoá của chiếc máy chém – công cụ đem lại vô số cái chết cho người dân dưới triều đại Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam trong những năm cuối 1950[5]. Nam chất vấn liệu rằng cái chết có phải là hình phạt tối thượng cho một tội ác, và nhìn nhận trọng lượng của niềm tin trong ý thức về hành vi đem lại cái chết (dù đó là niềm tin cá nhân, tôn giáo, hay chính trị). Liệu Ngô Đình Diệm có thật sự tin rằng việc sử dụng máy chém sẽ làm giảm thiểu số lượng người chống đối ông ta? Liệu máy chém sẽ gây nên nỗi sợ khi nó buộc người dân phải đối mặt với cái chết, hay trong tâm trí họ, việc hy sinh cuộc sống vì đất nước chính là hành động đúng đắn và cao cả? Dù hành vi chết chóc được tôn vinh hay khinh thường, đối với Ngô Đình Diệm và người dân, họ phải cảm thấy việc họ làm là đúng đắn với những gì mà họ tin tưởng. Vậy thì, liệu niềm tin có đồng nghĩa với chân lý? Nam đặt ra câu hỏi làm cách nào chúng ta đưa ra quyết định đâu là ‘đúng’ hay ‘sai’ đối với những hành vi chết chóc đó.

Triển lãm ‘Đến tận cùng [nào]?’ là thành quả của ba nghệ sĩ lưu trú từ Hà Nội, TP.HCM, và Yogyakarta để tham gia chương trình Phòng thí nghiệm Sàn Art phiên 5. Mỗi nghệ sĩ mang trong mình những thôi thúc riêng với lịch sử-xã hội địa phương và thảm hoạ toàn cầu đầy bi kịch gần đây. Liệu Rudy có bao giờ thành công trong việc thâu tóm kiến thức về lịch sử quê hương mình? Có ai bao giờ làm chủ toàn bộ sự thật về lịch sử? Còn với Tiến, anh gợi nhắc ta rằng dù cái chết là một phần tất nhiên của cuộc sống, rằng vì thế mà ta có thể dễ dàng bỏ qua nó, cái ý nghĩ rằng cái chết có thể sẽ vồ lấy ta vào ngày mai vẫn mở ra một cái nhìn mới về những gì thực sự quan trọng trong cuộc đời. Và với Nam, cái chết sử dụng như hình thức trừng phạt có thể không là hình phạt đáng sợ nhất – tất cả đều lệ thuộc vào cách ta chọn tin vào tính biện minh của hành động này.

* Trích dẫn từ bài tiểu luận triển lãm. Toàn văn bài tiểu luận có thể được tải về từ đường link bên dưới.

[1] ‘Chăm-pa là vương quốc Indochine cổ, tồn tại từ thế kỷ thứ 2 đến 17 sau CN và mở rộng đến ven biển miền trung và miền nam Việt Nam. Được thành lập bởi người Chăm, một tộc người Malayo-Polynesian mang văn hoá ảnh hưởng Ấn Độ, Chăm-pa sau này được sát nhập vào Việt Nam, và từ đó cũng đem lại nhiều ảnh hưởng đến văn hoá Việt Nam.’ – Source: www.britannica.com/Ebchecked/topic/105118/Champa

[2] ‘Jeumpa là một trong những thành phố hồi giáo đầu tiên tại Aceh, từng hưng thịnh vào khoảng thế kỷ 7 sau CN. Nằm tại mũi bắc của đảo Sumatra, Jeumpa là cảng giao thương và trung chuyển quan trong của thuyền qua lại Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư, và Bán đảo Ả Rập. Dù được công nhận bởi Stamford Raffles, người thành lập Singapore, Jeumpa không được công nhận bởi các sử gia Indonesia.’ – Source: nusantarahistory.com

[3] ‘Con đường Tơ lụa’ là một mạng lưới những tuyến đường liên kết nhau nối liền các nền văn hoá cổ đại tại châu Á, vùng Tiểu lục địa, Trung Á, Tây Á, và Cận Đông. Những tuyến đường này được dùng để vận chuyển vật liệu thô, thực phẩm, và mặt hàng xa xỉ. Dù một vài tuyến đường này được sử dụng qua nhiều thiên niên kỷ, đến thế kỷ thứ 2 trước CN, mật độ trao đổi tăng lên đáng kể.’ – Source: whc.unesco.org/en/list/1442

[4] Dinh Độc Lập của chế độ Sài Gòn, do kiến trúc sự được đào tạo tại nước ngoài Ngô Việt Thu thiết kế, từng là nơi cư trú của các tổng thống miền Nam Việt Nam trong chiến tranh, bao gồm Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiều, và Dương Văn Minh. Trong ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975, xe tăng của quân đội Nhân dân Việt Nam húc tung cửa dinh – một hành động biểu tượng kết thúc chiến tranh.

[5] Ehrlich R, 2010, ‘When heads rolled in Vietnam’, The Asia Times, 15 tháng 9, 2010, www.atimes/atimes/Southeast_Asia/LI15Ae01.html