Dấu độc bản của dòng suối gỗ

Khai mạc triển lãm: 29.01.2015 
Địa điểm: Phuong My Flagship Store
81 Lê Thánh Tôn
Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

 

Dòng suối gỗ – một dòng chảy gỗ – dường như là một cách nói mâu thuẫn, bởi làm sao một thứ cứng chắc như gỗ lại có thể chảy xiết thành dòng. Quả thực, khái niệm này khiến ta gợi nhớ đến nghệ thuật in khắc gỗ trên lụa và giấy của Nhật Bản – ‘Ukiyo-e’ – dịch ra nghĩa là ‘bức họa của thế giới đang trôi’. Lấy cảm hứng từ phẩm chất ‘Ukiyo-e’ và họa tiết in vải trong bộ sưu tập Xuân/Hè 2015 của PHUONG MY, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Trâm Kha trưng bày những quyến rũ của ‘Dòng suối gỗ’.

Nghệ thuật Ukiyo-e phát triển cực thịnh từ thế kỉ 17 tới 19 tại Edo (nay là Tokyo), nhờ vào sự tài trợ của giới thương nhân, nhằm củng cố vị trí của họ trong thứ bậc xã hội, đối lại nền độc tài quân sự Nhật Bản lúc bấy giờ. Trong khi các tranh in Ukiyo-e đầu tiên minh họa cuộc sống đương thời và vẻ gợi cảm của người phụ nữ, những bậc thầy Ukiyo-e sau này mở rộng đề tài sang chủ đề thiên nhiên và phong cảnh. Thay vì mô phỏng tả thực, tranh in cảnh thiên nhiên Ukiyo-e, chẳng hạn cảnh biển hay hoa lá, là những viễn cảnh tưởng tượng về thế giới. Đây cũng là cách mà nghệ sĩ Trâm Kha đặc tả dòng suối gỗ của cô.

Hai tác phẩm điêu khắc của Trâm Kha là hai diễn tả khác nhau về dòng suối gỗ. ‘Khắc vào kí ức’ là một bản khắc gỗ lớn hai mặt, trông tựa tấm hóa thạch cổ của một loài hoa thanh tú được tìm thấy giữa dòng chảy; trong khi ‘Mọc dai dẳng’ có vẻ như một sinh vật hình người, kết hợp đường nét đầy đặn gợi cảm của người phụ nữ với một loài cây tương đồng hình dáng. Trong khi việc chạm khắc những tác phẩm này tốn nhiều thời gian, thì ngược lại, mỗi hình ảnh hiện ra là một khoảnh khắc duy nhất, một dấu ấn duy nhất. Như thể rằng, người nghệ sĩ đắm chìm trong thế giới tưởng tượng của cô để tìm ra khoảnh khắc mà cô có thể cảm nhận được nhịp điệu của dòng suối.

Cả Trâm Kha và Phương My đều thích vận dụng các đối lập trong chủ đề, chất liệu, phom dáng và bố cục. Chẳng hạn, Phương My mời nhà thiết kế vải người Nhật tạo ra họa tiết thanh khiết và nữ tính, rồi cô cho dệt chúng thành loại vải đặc biệt để phối thành những kiểu mẫu thời trang mạnh mẽ, cá tính. Cùng lúc, Trâm Kha tỉ mỉ chạm trổ bề mặt gỗ – thứ chất liệu đặc cứng – để biểu hiện đặc tính, thần thái của hoa lá cùng các tạo vật trừu tượng đang trôi trên dòng.

Thời xưa, Ukiyo-e đòi hỏi sự hợp tác giữa nghệ sĩ, thợ chạm khắc, thợ in và nhà phát hành. Trong nghệ thuật và thiết kế đương đại, sự hợp tác như vậy vẫn đóng vai trò quan trọng. Trâm Kha thiết kế bản vẽ cho tác phẩm, để người thợ chạm thực hiện nó thành điêu khắc gỗ. Còn nhà thiết kế Nhật Bản tạo ra họa tiết vải từ cảm hứng ý tưởng tính nữ và thiên nhiên của Phương My, và rồi Phương My sử dụng nó thiết kế xuyên suốt bộ sưu tập của mình. Trong lần hợp tác giữa Phương My và nghệ sĩ thị giác Trâm Kha, câu chuyện về bản khắc gỗ Ukiyo-e hòa hợp cùng mẫu vải in trên trang phục Phương My. Mỗi một bản khắc gỗ có thể tạo ra hàng loạt bản in, cũng giống như mỗi một họa tiết vải có thể thành hình cho nhiều mẫu trang phục trong bộ sưu tập. Đây là mối quan hệ mật thiết giữa tính độc bản và tái sản xuất trong nghệ thuật và thiết kế thời trang.

Triển lãm được trưng bày từ ngày 29 tháng 1 năm 2015