Khai mạc triển lãm: 07.08.2014
Triển lãm mở tới 30.10.2014
Địa điểm: Sàn Art
3 Mê Linh
Q. Bình Thạnh

 

Hãy sải chân vào dòng chảy lịch sử và ghé thăm một ngôi trường tưởng tượng mang tên nhà truyền giáo dòng Tên người Pháp Alexander d’Rhodes, người đã có công hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt ngày nay. Ta nhìn thấy những cậu học sinh với cặp mắt bị bịt chặt trong cái sân chơi học vấn. Đây là thế giới của nghệ sĩ Phan Thảo Nguyên, nơi lịch sử được kiến tạo từ các mảnh ghép có được từ sự am hiểu sâu sắc hiện thực lẫn hư cấu và được diễn đạt bằng những nét vẽ sơn dầu tỉ mỉ trên tấm lót phim. Cũng tinh xảo không kém trong chất liệu sơn dầu, những bức tranh khổ lớn của họa sĩ Nguyễn Thái Tuấn, sống và làm việc tại Đà Lạt, là lời nhắc nhở đầy ám ảnh về một phần lịch sử khác bị chiến tranh tàn phá và xé thành mảnh vụn. Một cái cổng bằng gang tinh tế khiến ta hồi tưởng về thời thực dân Pháp đô hộ Việt Nam là tiêu điểm chính của tác phẩm ‘Cánh cổng’. Nằm trong chuỗi tác phẩm ‘Di sản’ của nghệ sĩ, khung cảnh u uất này là cảnh cửa đưa ta lạc vào một Việt Nam bị bỏ lại với cái điềm gở mơ hồ. Cảm giác mơ hồ treo lơ lửng này tạo nên một đối trọng với tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Văn Đủ. Những chuyến đến thăm một lò mổ thịt ngay ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh đã để lại trong anh dấu ấn khó phai trong việc diễn đạt hình ảnh bạo lực. Một con vật đã chết và rỉ máu chiếm gọn diện tích bức tranh, chân nó bị buộc vào cột gỗ gần bên, còn nội tạng tuôn ra trên nền nội thất mờ sáng. Chính những nét vẽ tương phản đã tạo nên trạng thái ức chế cho bức tranh, với phần nền phẳng lì phủ trong lớp màu đơn sắc, trái ngược hẳn với những nhát vẽ dày cộm tạo nên độ sâu cho xác thịt con vật. Đủ chất vấn mức độ lường gạt trong văn hóa tiêu thụ mà ta đang sống chung cũng như sự sốt sắng trong việc tiêu thụ thứ mà cái chết ta không tận mắt chứng kiến. Sự lường gạt này cũng đồng thời hiện diện trong tác phẩm nhiếp ảnh ‘Giờ TV’ của Phan Quang về một gia đình sống trong chiếc lồng tre. Những chiếc lồng này thường được dùng để nhốt gà tại Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác. Ở đây nghệ sĩ liên tưởng loài người tương đương như những con vật dễ bị độc chiếm qua các thể loại tuyên truyền trên ti vi hoặc từ những kết cấu xã hội kìm hãm cuộc sống.

Lê Hoàng Bích Phượng cũng suy ngẫm về những cơ chế ta thao túng để thỏa mãn ham muốn trong xã hội. Trong tác phẩm ‘Miệng quạ’, một người đàn ông mang chiếc mỏ quắm của loài chim, tựa như trong dáng vẻ xấu hổ hoặc biếng nhác. Cô tự hỏi liệu những tấm “mặt nạ” như  vậy có thể thay đổi bản chất con người thật của ta thành những thực thể tốt hơn hay tất cả chỉ là lời dối trá. Ranh giới giữa thiên nhiên và văn hóa, có lẽ cũng là giữa thiên nhiên và công nghệ chiếm sự hiện diện không nhỏ trong tác phẩm của Lê Phi Long. Trong những bức vẽ tỉ mẩn bằng mực về những cành cây bị cắt rời trong rừng Cần Giờ (thuộc khu bảo tồn tự nhiên tại Sài Gòn), Long chữa lành những vết thương của thiên nhiên bằng các vật dụng như thanh đỡ kim loại hay băng y tế được vẽ từ lá bạc. Có phải Long ám chỉ rằng thiên nhiên có thể có được sự trợ giúp từ công nghệ? Hay anh muốn gợi ý rằng chính máy móc rồi sẽ trở nên áp đảo trước môi trường tự nhiên mới?

Chào mừng bạn đến với Galleria Thu!

Tất cả các tác phẩm trong ‘Galleria Thu’ đều được bán; lợi nhuận sẽ hỗ trợ cho các chương trình sắp tới của Sàn Art. Vui lòng liên hệ hello@san-art.org để biết thêm thông tin