Cuộc trò chuyện về tranh kiếng Nam Bộ với Nguyễn Đức Huy

 

Thời gian: 20.05.2020
Địa điểm: Sàn Art
Millennium Masteri
Unit B6.17 & B6.16
132 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4,
TP. Ho Chi Minh

Là một phần trong chuyến lưu trú của nghệ sĩ Chi L. Nguyen tại Sàn Art, chúng tôi đã tổ chức buổi trò chuyện về tranh gương kính ở miền nam Việt Nam do Nguyễn Đức Huy – một nhà sưu tập và bảo tồn tranh gương kính – trình bày. Trong phần thuyết trình của minh, Huy đã vẽ một bức tranh toàn cảnh về nguồn gốc và sự phát triển lịch sử của loại hình nghệ thuật này, với khởi điểm là những mô típ trang trí trên hộp đựng thuốc lá của Trung Quốc. Dưới triều Minh Mạng, các tác phẩm tranh gương kính cực kỳ công phu được sử dụng để trang trí các không gian nội thất tại cung đình Huế. Nay, ta có thể thấy sự hiện diện phổ biến của loại hình nghệ thuật này trên các xe bán mì, và mặt tiền cửa hàng ở khu vực Chợ Lớn. Ngoài mục đích trang trí, tranh gương được sử dụng rộng rãi trong các không gian thờ cúng và tôn giáo. Các nghệ nhân ở Chợ Lớn trong những năm 50 và 60 nổi tiếng nhờ những bức tranh vẽ Phật, thần hộ mệnh và các vị gia tiên. Một số bức tranh gương thậm chí còn chứa đựng thông điệp may mắn và lời chúc an lành ẩn trong những phép chơi chữ Hán. Qua nhiều thế kỷ, tranh gương kính đã phát triển, cả về hình thức và nội dung, để phục vụ nhu cầu văn hóa của người Việt, điển hình là các bức tranh thờ “Cửu Huyền Thất Tổ”. 

Sự kiện này diễn ra song song với dự án nghiên cứu của Chi trong chuyến lưu trú của cô về họa tiết, ngụ ngôn tôn giáo và các ứng dụng của tranh gương kính trong cuộc sống hàng ngày của người dân Nam Bộ.