Khai mạc triển lãm: 27.02.2014 @6pm
Triển lãm mở tới 29.04.2014
Địa điểm: Sàn Art
3 Mê Linh, P19, Bình Thạnh
Tp Hồ Chí Minh

 

“Theo phân tích truyền thống về kiến thức, […]  kiến thức được xem như một dạng niềm tin – cụ thể hơn, dạng niềm tin đã được minh chứng là đúng.” (Eric Schwitzgebel)[1]

“[…] (có ảnh hưởng lớn đối với các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần), ảo tưởng là trạng thái của niềm tin – chẩn đoán này là một tính chất quan trọng của ảo tưởng, khi mà nó có thể cấu thành hành động và chắc chắn có thể ghi nhận được; do đó, ảo tưởng hành xử như một thứ niềm tin điển hình.” (Lisa Bortolotti)[2]

Niềm tin luôn là một trong những chủ đề rộng lớn và gây tranh cãi nhất của khoa học nghiên cứu con người.Các tìm kiếm triết học hay nghiên cứu tâm thần thường sử dụng khoa học thực nghiệm như một cách để chứng minh giá trị hoặc tác động của niềm tin. Niềm tin còn là phương tiện vận động được sử dụng trong tuyên truyền chính trị hoặc ở một số bối cảnh cụ thể, nó bị xem như mối đe doạ cho chính quyền. ‘Niềm tin không điều kiện’ là một triển lãm của nhóm ‘Lao Động Nghệ Thuật’ (Trương Công Tùng, Phan Thảo Nguyên và Arlette Quỳnh Anh Trần), khám phá khái niệm ‘niềm tin’ ở Việt Nam bằng việc khảo sát nơi chốn cụ thể và lật lại lịch sử. Triển lãm quan sát các tầng lớp khác nhau của niềm tin – từ sự phụ thuộc của con người vào sức mạnh tâm linh hay vật thiêng để chữa bệnh, đến việc sử dụng giáo dục nhằm truyền bá tư tưởng tôn giáo.

Trương Công Tùng nghiên cứu niềm tin của người Việt trong vấn đề đau khổ, vận số và thế lực siêu nhiên. Như một nhà nhân học, anh đi thực địa và nghiên cứu tại ‘Khu vườn kỳ lạ’ ở tỉnh Long An (một khu vườn tư nhân được tin là có khả năng chữa bệnh), nơi các tín ngưỡng và nghi lễ của người dân được thực hiện mà khoa học chưa thể lý giải hiệu quả. Trong nghiên cứu của mình, Công Tùng khám phá thấy: niềm tin, hay đúng hơn là ảo tưởng, cũng giống giấc mơ,được bác sĩ tâm thầnsử dụng như một công cụ hiệu quả để điều trị bệnh nhân. Công Tùng còn mở rộng nghiên cứu sự thờ phụng vật thiêng – vật thể được tin rằng sẽ biến ước muốn thành sự thật. Tác phẩm nghệ thuật nửa tài liệu nửa hư cấu của anh tiết lộ các tầng niềm tin do sự chịu đựng tập thể hay đau khổ cá nhân.

Phan Thảo Nguyên sử dụng tín ngưỡng tôn giáo làm điểm khởi đầu để cô dò tìm lịch sử chữ viết tiếng Việt hiện đại, hệ thống chữ cái Romanra mắt lần đầu tiên tại Việt Nam vào thế kỷ 17 do ông Alexandre de Rhodes – nhà truyền giáo Dòng Tên người Pháp –dùng thay cho chữ tượng hình truyền thống. Thảo Nguyên kiến tạo một ngôi trường tưởng tượng, đặt theo tên của A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ (Alexandre de Rhodes), trong đó chương trình giảng dạy trở thành nơi thử nghiệm niềm tin: tin vào những điều không thấy được, những điều thơ mộng và đẹp đẽ. Tại ngôi trường kì dị này, nơi mọi người đều bị bịt mắt, sự mù loà và mù chữ là trở ngại cho việc học tập của học sinh và giáo viên. Thảo Nguyênphân vân, điều gì biện minh cho niềm tin khi không có học vấn và kiến ​​thức, mà chỉ có thơ ca và vẻ đẹp?

Lựa chọn chủ đề từng dự án, tiếp đó curator Arlette Quỳnh-Anh Trần mời các nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực liên ngành làm người cộng tác và nhà tư vấn cho nhóm Lao ĐộngNghệ Thuật. Quá trình nghiên cứu của họ diễn ra như trong phòng thí nghiệm kiến ​​thức và nghệ thuật. Ngoài việc tổ chức và thiết kế không gian triển lãm, curator của nhóm còn tiến hành các cuộc workshop giáo dục giữa nghệ sĩ, nhà khoa học cùng các thành phần công chúng khác nhau, từ sinh viên cho đến bệnh nhân bệnh viện, và đưa dự án nghệ thuật đến những không gian độc đáo như bệnh viện hay trường đại học.

Với cách làm việc và nghiên cứu như vậy, thế nên, Niềm tin không điều kiện không chỉ đơn giản là một triển lãm tác phẩm; nó thể nghiệm khả năng đọc một triển lãm như đọc cuốn sách nghiên cứu nghệ thuật. Bước vào cuốn sách/triển lãm này, khán giả có thể đi, chạm, xem và đọc; họ sẽ bắt gặp những bước ngoặt trong quá trình nghiên cứu của các nghệ sĩ, những dấu vết tài liệu tham khảo khoa học, những gợi ý để giải mã tác phẩm nghệ thuật và thậm chí cả kế hoạch cho những dự án trong tương lai của nhóm. Sản phẩm của nhóm Lao Động Nghệ Thuật trong triển lãm Niềm tin không điều kiện bao gồm tác phẩm, tài liệu văn bản, vật thể, … chẳng hạn như nguyên liệu nghiên cứu và các tương tác không gian, âm thanh và thị giác. Mỗi yếu tố đều góp phần vào vấn đề cốt lõi của Niềm tin không điều kiện: va chạm giữa niềm tin, kiến ​​thức và ảo tưởng.

_____ _

Niềm Tin Không Điều Kiện là dự án được mời tham dự Kích/Nghĩ của chương trình Nhận Thức Thực Tại tại Sàn Art. Trong đó, nhóm Lao Động Nghệ Thuật có thể mở rộng hoạt động liên ngành của mình đến những đối tượng khán giả rộng lớn hơn, với sự cộng tác từ khoa Nhân học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam. Nhóm Lao Động Nghệ Thuật tổ chức 2 workshop chuyên sâu với các sinh viên và giảng viên vào tháng 12 năm 2013. Trong 2 buổi workshop, người tham dự được cung cấp kiến thức nền tảng của Nghiên cứu hình tượng trong lịch sử nghệ thuật và những thực hành nghệ thuật thị giác của nhóm. Những thành viên này, người sở hữu mảng lý thuyết và kinh nghiệm thuộc ngành nhân học, thứ khá gần gũi với chủ đề của ‘Niềm Tin Không Điều Kiện’, đã chia sẻ cùng nhóm Lao Động Nghệ Thuật cuộc đối thoại giữa nhân học, xã hội học và nghệ thuật thị giác; thảo luận các tiềm năng nghiên cứu chéo ngành, cụ thể là chủ đề tác động tâm linh trong xã hội và văn hóa Việt Nam.

_____ _

Kích/Nghĩ thuộc dự án liên ngành mang tên ‘Nhận thức Thực tại’ do Mạng lưới Quỹ Hoàng Tử Claus với Sàn Art tài trợ.

 


[1]Schwitzgebel, Eric, “Belief”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Spring 2014 Edition), Edward N. Zalta (ed.), forthcoming URL = <http://plato.stanford.edu/archives/spr2014/entries/belief/>

[2]Bortolotti, Lisa, “Delusion”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Winter 2013 Edition), Edward N. Zalta (ed.), URL = <http://plato.stanford.edu/archives/win2013/entries/delusion/>