Neo lại Kỳ lâu

Khai mạc triển lãm:04.03.2017 
Triển lãm mở tới 13.05.2017
Địa điểm: Manzi
Manzi art space
14 Phan Huy Ích
Hà Nội

 

 

Lâu: một kiến trúc mở thường được xây giữa cảnh hồ để thưởng ngoạn

Kỳ: trò chơi thường với hai đối thủ, mỗi người có một số quân nhất định và mục tiêu là bắt được quân mạnh nhất của đối phương (cờ vua, cờ tướng) hoặc giành được nhiều đất nhất trên bàn cờ (cờ vây)

Kỳ: lá cờ

Kỳ: dị thường

Sàn Art và Manzi hân hạnh cùng giới thiệu ‘Neo lại Kỳ lâu’, triển lãm cá nhân đầu tiên của nghệ sĩ Võ Trân Châu.

 

Từ phiên lưu trú sáng tác dài 6 tháng với Sàn Art Laboratory giữa năm 2015, Trân Châu theo dấu những hậu duệ của nhà Nguyễn (1802-1945) để thực hiện tác phẩm ‘Thuỷ ảnh’, một phiên bản Long cổn[1] ghép từ những chiếc áo của các hậu duệ mà cô tiếp xúc. Kéo dài nghiên cứu về triều Nguyễn, kết nối thời gian, bối cảnh lịch sử đó với hiện tại, Trân Châu phát triển các tác phẩm tiếp theo gồm tranh thêu, điêu khắc vải, tranh cắt ghép mosaic hiếm thấy ở Việt Nam. Triển lãm cá nhân này tạo dựng một không gian hư ảo giữa quên và nhớ, giữa thời sự và tự sự, bàn về thời thế và tâm thế với nỗi khắc khoải xoáy vòng từ quá khứ đến hiện tại.

Nhà Nguyễn ngự ở Huế, thành phố hiện về địa lý thì nằm khoảng giữa Việt Nam. Trong triển lãm, Trân Châu đưa người xem vào một thuỷ trình tưởng tượng đến một thành phố Huế thay thế, nơi một số biểu tượng được mường tượng lại, bắt đầu với ‘Giải Trãi’, linh thú tượng trưng cho công lý triều đình. Được Minh Mạng (1791-1841) cho đúc thành tượng có hình dạng tương tự linh dương, ‘Giải Trãi’ trong triển lãm khoác một hình ảnh mới vì da nó được ghép bằng rất nhiều miếng vải vuông cắt ra từ quần áo cũ của các hậu duệ nhà Nguyễn. Tác phẩm giống một con chó con tự vấn về khả năng phân biệt trái phải của mình. Kỹ thuật cắt ghép này được Trân Châu tiếp tục với các tác phẩm khác. ‘Long Tinh Kỳ’ tái tạo lá cờ biểu trưng đầu tiên của nhà Nguyễn. Trong triển lãm, dưới một thanh gỗ nặng nề, lá cờ kể về sự chiếm đóng của Pháp và cùng với đó là khoảng thời gian đánh dấu sự phân chia Việt Nam thành ba kỳ (1858-1885). Người xem cũng sẽ thấy ‘Ngọ Môn’ với lối đi chính giữa chỉ dành cho vua và hầu giá vào cấm thành. Giờ đã in vào logo Huế nhưng ‘Ngọ Môn’ trong tranh cắt ghép của Trân Châu với sắc xanh trắng mờ ảo không gợi về một di tích lịch sử mà nhắc nhiều hơn đến những màn biểu diễn màu mè diễn ra mỗi năm trước thành nội để tung hô di sản của thành phố. Đây cũng là nơi vị hoàng đế cuối cùng, Bảo Đại (1913-1997) hạ lá cờ quân chủ để phía cách mạng vẫy lá cờ đỏ thắm của mình lên. ‘Ngọ Môn’ song hành với ‘Ngẫu Cảm’, cùng là kết thúc, cái thứ nhất cho một triều đại và cái thứ hai cho một con người. ‘Ngẫu Cảm’ miêu tả ngôi mộ đơn sơ của Bảo Đại ở Pháp, gợi ý sự chôn giấu quá khứ cùng với con người dưới mộ. Hai tác phẩm ‘Chân dung số 12’‘Chân dung số 13’ thu thuỷ trình liên thời gian/không gian trong triển lãm về hai cha con vua Khải Định (1885-1925) và Bảo Đại. Ngoài cách phục sức “lai căng” đã nhận không ít chê trách khi còn tại vị[2], di sản của Khải Định cũng bao gồm một cái lăng kim cổ giao lưu, Đông Tây phối hợp độc đáo. Chân dung chỉ thêu của ông nhập nhoè sắc vàng, theo Trân Châu, “để hợp với phong cách nghệ sĩ” của nhà vua. Bảo Đại được biết nhiều hơn vừa như “vị vua cuối cùng” vừa như một con người lịch lãm với quý phu nhân thanh tú. Chân dung của ông mang màu jeans, ghép từ những mảnh quần áo hậu duệ triều Nguyễn không bao gồm hậu duệ của chính ông. Bằng cách phân giải ảnh chụp ra thành điểm ảnh và tái tạo chúng với những chất liệu cần dày công thao tác, Trân Châu xây dựng hai phiên bản “mới” cho hai nhân vật này, đề nghị người xem suy ngẫm về những khả năng quá khứ khác của họ cũng như của những gì họ đại diện. Cái nhìn bất định của nhân vật trong tranh cũng mời người xem nhìn lui vào bản thân mình trong hiện tại. Họ có đang là đại diện trung thực của chính mình hay không? Trước những lu nhiễu thời đại, họ giải những sự biến đương thời như thế nào?

“Khuyết” cũng là một lời đề nghị. Tác phẩm tranh lụa thêu một chiếc áo dạng Long cổn giang tay giữa không trung; chiếc áo thiếu rồng phượng in một cái bóng sai khác đáng kể so với nó dưới mặt nước. Mượn hình ảnh chiếc áo từ thời Minh (Trung Quốc, 1368-1644) có ảnh hưởng rất sâu đến phục sức hoàng gia của một số nước như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trân Châu bàn về một trận cờ giữa Việt Nam và nhiều đối thủ kéo dài đã ngàn năm và hiện nay vẫn lơ lửng trên sông núi nước Nam. “Khuyết” dẫn đường cho tác phẩm sắp đặt ‘Thuỷ ảnh’ trong đó bản sao chiếc Long cổn được treo trên một hồ nước đen, biệt lập, lặng im; đó là hình dung của Trân Châu về tâm thế những vị vua triều Nguyễn trong hơn một thế kỷ nhiều biến động. ‘Thuỷ ảnh’ được chắp vá bằng áo quần của những hậu duệ nhà Nguyễn, những Chân dung không mang số. Nỗ lực kỳ diệu của những người nắm quyền đương thời đã và đang xoá dần quá khứ của họ, khiến nhân ảnh của họ nhoè hoen, lắp ghép cũng như lịch sử của dòng tộc họ. Chuyện của họ phản ánh chuyện xã hội vì sự hoen mờ kia trùng hợp đáng buồn với văn hoá đương thời: phần được phết tem “di sản”, phần lọc cọc run rẩy chống đỡ điều tiết. Triển lãm kết thúc tại đây, còn trận cờ bày tại Kỳ lâu này vẫn mời người chơi/đánh. Trân Châu dàn trận bằng cách“phá vỡ cấu trúc vật liệu […] tạo tác một vật thể khác {để} nhìn và chạm vào bề dày của những câu chuyện cá nhân cũng như phản biện đa chiều của lịch sử”[3]. Còn bạn?

(biên tập từ bài đọc cho triển lãm do Nguyễn Bích Trà viết)

***

[1] áo nhà vua mặc khi tế trời cầu an cho dân

[2] Năm 1922, nhân dịp Khải Định sang Mersailles dự đấu xảo, nhà trí thức Phan Châu Trinh gửi nhà vua một bức thư trần về những việc nên điều chỉnh, có hẳn một đoạn về việc phục sức. Trích:”Bệ hạ tự chế ra một thứ lễ phục kiểu mới, tự mặc ra để ra Triều. Kiểu ấy là trên áo cẩm bào cũ, còn cổ áo và tay áo thời đính vài ngọc loè loẹt, Âu không ra Âu, Á không ra Á, lại trên nón vua thời thêu thêm những hình rồng phụng sáng ngời” (Thư Thất điều, Phan Châu Trinh, NXB Anh Minh, 1958)

[3] tuyên ngôn nghệ sĩ, 2015

 

***

hình ảnh do Manzi Art Space thực hiện