Cú pháp và ngữ âm

Khai mạc triển lãm: 04.03.2010 @18:00
Triển lãm mở tới 15.04.2010
Địa điểm: Sàn Art
3 Mê Linh, quận Bình Thạnh,
Tp Hồ Chí Minh, Việt Nam

 

 

Cú pháp & Ngữ âm

Có những từ tiếng Việt gần như không thể dịch ra tiếng Anh.
Nó giống như những vật liệu và phương pháp sáng tạo chỉ dành riêng cho Việt Nam.
Có những hình ảnh cho phép bạn tưởng tượng ra cách con người suy nghĩ về thế giới xung quanh.
“Dã chiến” là một hình ảnh như thế. Từ điển Mỹ thì nói rằng từ đó có nghĩa là “trận chiến trên cánh đồng hoang”.
Nhưng chúng tôi biết rằng ý nghĩa của nó còn hơn thế nữa.
Có một từ trong tiếng Swahili có nghĩa gần giống như vậy, “jua kali”.
Ở Nairobi, Kenya thì từ đó có nghĩa là “dưới ánh mặt trời bỏng rát”.
Và khi nói “juaa kali”, người ta ngụ ý một điều gì đó gần như là “dã chiến” Đó là cách người ta tìm thấy trong những đồ vật cũ những giá trị mới, những hình ảnh mới và những tiện ích mới.
Cải tiến và sáng tạo chính là nền tảng cho “jua kali” và “dã chiến” ra đời.

Đó là khi người ta vẫn có thể sống mà không có những nguồn lực cần thiết, là khi để làm được việc, người ta đã sáng tạo ra công cụ từ các loại vật liệu tưởng chừng như chẳng liên quan gì với nhau- những sáng tạo rất hữu ích nhưng khó có thể gọi tên.

Ở Nairobi, ta thường thấy hình ảnh “jua kali” trong những chấn song cửa sổ đẹp một cách cầu kỳ nhưng được làm từ những thùng phuy bỏ đi. Một dải lụa Gucci được đính duyên dáng trên khăn quấn đầu của phụ nữ, một bài hát của người đàn ông bán quần áo cũ và chai lọ, cái hiệu sửa xe đạp với vài dụng cụ cũ nát, những chiếc xe bus nhỏ với những hình ảnh ngôi sao hip-hop Mỹ được vẽ bằng tay, tất cả đều là “jua kali”. Đó thực sự là cả một tập hợp các tác phẩm nghệ thuật của giới bình dân.

Dạo trên những con phố ở Sài Gòn, ta sẽ thấy sự hiện diện của “dã chiến” trên khuôn mặt những người đàn ông ngồi chơi bài trong quán cà phê vỉa hè có những cách trang trí thực tế một cách hoàn hảo, hay trong đám bụi lửa tóe ra từ những mũi khoan của một công trình đang được sửa chữa. Người ta có thể nghe thấy âm vang của những trận chiến mỹ học này trong tiếng cọ bàn đá của người thợ mài dao, hay trong dàn đồng ca chuông cửa từ những khu chung cư rất cao tầng. Những cuộc “chiến” nhỏ này có mặt cả trong những điểm bơm vá xe ở khắp các góc phố, và trong hình ảnh những siêu anh hùng tuổi teen khoác lá cờ tổ quốc lên tấm thân trần, lao dọc đường Nguyễn Huệ chào mừng đội tuyển quốc gia vừa đè bẹp Singapore.

Tất nhiên, đây có thể là một cách hiểu sai về “dã chiến”. Bởi vì “dã chiến” đang được viết bằng một ngôn ngữ khác, và do đó chẳng thể nào diễn tả chính xác được. Điều duy nhất chúng ta có được là sự xấp xỉ. Nhưng có một cách khác nữa để miêu tả nó, cái cuộc chiến mỹ học diễn ra trên đường phố, trong nhà, trên bàn thờ và trong những quán cà phê ấy. Có những người nghệ sĩ làm công việc thu âm, chụp hình hoặc thậm chí là mang đến cho những đồ vật tuyệt vời đó những ý nghĩa và những sự tưởng tượng mới. Và quan trọng hơn là những người có thể viết về nó, một cách thoải mái nhất, bằng bất kể ngôn ngữ gì, để giải thích tại sao cái đồ vật đó, âm thanh đó, giây phút đó có mặt trong cuộc sống này, và nó đã cộng hưởng thế nào với chủ nhân của nó, và cả với chính công việc họ đang làm nữa.

Mỗi thành phố đều có những một trận chiến Mỹ học của riêng mình. Ở New York, những tòa nhà chọc trời đang phải gồng mình lên vì cái bề ngoài lạ lùng của những nhạc sĩ gốc Phi hay những chiếc áo choàng đen của bà giáo người Do Thái nghiêm nghị. “Chiến” của Nairobi là những dãy đồi xanh trùng điệp ganh đua với những quán bar kiểu thực dân và những khu nhà ổ chuột làm hoàn toàn bằng những mảnh tôn méo mó. Vậy trận chiến ở thành phố này là gì? Đâu là bằng chứng của thứ chúng ta gọi là “dã chiến”.

….
Christopher Myers là nghệ sĩ, nhà văn đến từ Brooklyn, New York và hiện đang làm việc tại Sài Gòn.

Sàn Art gửi lời cảm ơn đến Tung Nguyen đã hỗ trợ phần dịch thuật